Tại ngôi nhà 183m2 đã được xây dựng kiên cố của mình ở một con ngõ trên đường Hà Huy Tập (thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Thu (SN 1960) cho biết, năm 2006, qua người quen giới thiệu, bà đến gặp bà Nguyễn Thị Hồng (lúc đó là Giám đốc Công ty CP Khoáng sản luyện kim Hà Nội) và thỏa thuận vay số tiền 380 triệu đồng. Hàng tháng, bà Thu phải trả lãi số tiền trên theo lãi suất ngân hàng, đồng thời đặt lại cuốn sổ đỏ căn nhà của mình để “làm tin”.
Thấy việc vay tiền quá dễ dàng, bà Thu tiếp tục giới thiệu cho em trai là ông Nguyễn Xuân Cần (SN 1961, cùng trú ở thị trấn Yên Viên) mang sổ đỏ đến đưa cho bà Hồng để vay số tiền 500 triệu đồng. Tiếp đó, bà Thu lại giới thiệu dì ruột là bà Phạm Thị Khoái (SN 1956, cũng ở thị trấn Yên Viên) tới gặp bà Hồng để đặt sổ đỏ và vay số tiền 350 triệu đồng. “Chúng tôi vì không hiểu biết pháp luật nên ngày 13/9/2007, bà Hồng đã hướng dẫn chúng tôi ký hợp đồng ủy quyền vào buổi tối tại Phòng công chứng số 5 (Hà Nội) mà chúng tôi không được biết nội dung ủy quyền thế nào, chỉ ký mà không đọc, không được giải thích. Lúc đó vì cần được vay tiền, chúng tôi ký theo sự chỉ đạo của bà Hồng và cán bộ phòng công chứng”, bà Thu cho hay.
Sau khi vay tiền một thời gian ngắn, các gia đình đã thu xếp và đề nghị bà Hồng được trả cả gốc và lãi số tiền vay nhưng bà Hồng không đồng ý và lảng tránh.
Cho đến tận ngày 26/12/2016, sau khi các gia đình nhận thông tin có quyết định của cơ quan thi hành án yêu cầu phát mại nhà, họ mới tá hỏa. “Giờ cuộc sống gia đình đảo lộn hoàn toàn, lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa vì thỉnh thoảng lại có người của ngân hàng và cả công an địa phương tới nhà”, bà Thu lo lắng.
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Cần cũng được phía ngân hàng cử người tới thông báo, sổ đỏ nhà của ông đã bị thế chấp để vay 800 triệu đồng. Trong khi đó, cuốn sổ đỏ của bà Khoái cũng đã được ai đó thế chấp khoản vay lên tới 1,8 tỷ đồng. “Việc lừa đảo này tôi nghĩ có tổ chức, chứ một mình chị Hồng không thể làm được. Vì nếu họ thế chấp ở ngân hàng để vay tiền, thì khi giải ngân, vì sao ngân hàng không cho người đến thẩm định xem tài sản đó có thật hay không?”, ông Cần bức xúc và cho biết thêm, ở huyện Gia Lâm còn có rất nhiều trường hợp bị mắc lừa như gia đình ông.
Theo Báo Giao Thông