Theo đó, việc giải quyết bồi thường được giải quyết tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại; được kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Luật đã mở rộng nguyên tắc giải quyết bồi thường, cho phép người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ngay ra tòa án khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự; kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự tại Tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự (khoản 4 Điều 4). Người bị thiệt hại có quyền lựa chọn cơ chế giải quyết bồi thường phù hợp nhưng khi cơ quan giải quyết bồi thường đã thụ lý yêu cầu bồi thường thì người đó không được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết bồi thường. Luật TNBTCNN năm 2017 không quy định kết hợp giải quyết bồi thường trong quá trình giải quyết khiếu nại.
Luật TNBTCNN năm 2017 đã bổ sung 05 Điều quy định cụ thể về các văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong các hoạt động quản lý hành chính (Điều 8), tố tụng hình sự (Điều 9), tố tụng dân sự, tố tụng hành chính (Điều 10), thi hành án hình sự (Điều 11), thi hành án dân sự (Điều 12).

Luật này quy định thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường theo quy định nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường (thay vì 02 năm, kể từ ngày ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật, hoặc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường theo quy định hiện nay), trừ hai trường hợp:
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường mà người yêu cầu bồi thường không đồng ý với quyết định đó, hoặc kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng thành mà cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại không ra quyết định giải quyết bồi thường hoặc kể từ ngày có biên bản kết quả thương lượng không thành thì có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường;
- Đối với yêu cầu phục hồi danh dự: nếu người bị thiệt hại đề nghị chưa thực hiện phục hồi danh dự thì việc phục hồi danh dự được thực hiện khi người bị thiệt hại có yêu cầu bằng văn bản, trừ khi người bị thiệt hại từ chối quyền được phục hồi danh dự theo quy định của Luật này thì không còn quyền yêu cầu phục hồi danh dự, và việc từ chối cũng phải thể hiện bằng văn bản.
Bên cạnh đó, ngoài các thiệt hại được bồi thường theo quy định hiện nay, như: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại về tinh thần...., Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 còn quy định các chi phí khác được bồi thường gồm:
- Chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo; chi phí thuê người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại;
- Chi phí đi lại để thăm gặp của thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án phạt tù trong tố tụng hình sự.